CHỢ QUÊ

CHỢ QUÊ

09:01 | 25/01/2014

Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về trên khắp các chợ quê lại trở nên đông đúc, nhộn nhịp khác thường. Người mua, kẻ bán chen chúc nói cười rôm rả.

Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về trên khắp các chợ quê lại trở nên đông đúc, nhộn nhịp khác thường. Người mua, kẻ bán chen chúc nói cười rôm rả. Chợ quê ngày tết đông đúc và rực rỡ sắc màu thể hiện một không khí tết đã đến rất gần. Đi chợ quê ngày tết, dường như chúng ta cảm nhận được cái hối hả của những ngày cuối năm. Không gian ấy vẫn mang đậm bản sắc văn hóa Việt, nặng tình làng, nghĩa xóm.

 

    Phiên chợ Lầm, xã Tam Hồng, Yên Lạc thường diễn ra vào những ngày chẵn trong tháng. Phiên chợ đông vui, nhộn nhịp hơn khi những ngày giáp tết nguyên đán đã đến gần. Ngày họp chợ, ngay từ lúc gà gáy vang thì trên khắp các đường làng ngõ xóm đã nhộn nhịp người dân gần xa đi lại mang lại cảm giác hối hả của những phiên chợ cuối năm. Tiếng nói cười, tiếng gà kêu quang quác, tiếng của những người chở hàng ra chợ, tiếng kêu eng éc của mấy chú lợn bị làm thịt… tất cả âm thanh ấy hòa quyện vào nhau làm cho không gian trở nên ồn ào và náo nhiệt của những phiên chợ quê. Chợ Tết khác với chợ thường là nhiều mặt hàng phong phú từ đồ ăn sẵn đến các mặt hàng bánh kẹo, trái cây, lá dong, lá chuối. Đặc biệt, những quầy hàng bán câu đối đỏ, phong bao lì xì và các đồ dùng trang trí cho ngày tết được nhiều người đến mua.

Chị Nguyễn Thị Hòa (Vĩnh Tường) chia sẻ: Chợ Lầm là một chợ quê đã có từ rất lâu đời nên cứ vào dịp giáp tết là chị em trong xóm lại rủ nhau đi chợ Lầm sắm tết. Chợ Lầm có rất nhiều mặt hàng, giá rẻ hơn so với chợ ở quê tôi. Chợ Lầm vào những ngày này đông lắm, nhiều khi chúng tôi phải chen nhau từng lối đi. Chị Hoàng Thị Thủy (Yên Lạc) một người đã có thâm niên bán hàng hoa quả ở chợ Lầm cho biết: chợ Lầm là chợ truyền thống to nhất so với các xã trong huyện nên lượng người đến đây mua bán cũng nhiều. Mặt hàng ở đây đủ chủng loại, thậm chí còn trở thành đầu mối mua bán buôn cho các chợ khác. Càng vào dịp Tết Nguyên đán thì số lượng người mua bán càng đông, đôi khi cũng có những người đi chợ để thưởng thức cái không khí tấp nập của những ngày giáp tết.

Có mặt tại phiên chợ Lồ, xã Nguyệt Đức (Yên Lạc), chúng tôi thấy không khí ngày Tết đã đến rất gần. Chợ Tết ở đây mang nét đặc trưng của một miền quê. Nhiều nông dân tự mang những sản phẩm của mình đi bán như củ hành, nải chuối, gạo nếp, gà, vịt… Bên cạnh các sạp quần áo, người ta còn chú ý đến hàng bánh kẹo, mứt tết, lá dong là một trong những loại hàng hóa truyền thống không thể thiếu, nó trở thành phong tục của người Việt Nam trong những ngày tết. “Bánh chưng xanh, dưa hành, câu đối đỏ”, đã trở thành những hương vị, những món ăn, thú chơi không thể thiếu của người dân Việt Nam trong những ngày tết. Ở những phiên chợ quê càng thể hiện rõ nét hơn khi những hàng dưa hành, lá dong lúc nào cũng đông người mua. Chị Nguyễn Thị Hiền (Yên Lạc) bán lá dong ở chợ cho biết: năm nào giáp tết gia đình tôi cũng đi mua lá dong ở trên miền ngược về bán ở các chợ gần đây. Lá dong là hàng không thể thiếu đối với mỗi gia đình ở quê. Vì khi tết họ thường mua lá về tự gói bánh, như vậy không khí tết mới trở nên nhộn nhịp và không khí gia đình mới đầm ấm hơn.

Những người đến chợ tết đông vui nhộn nhịp, người bán hàng thì muốn kiếm thêm chút tiền để sắm Tết cho cả nhà, người đến mua hàng thì mong chọn cho được những loại thực phẩm, đồ dùng cần thiết trong ngày tết. Nhưng trên tất cả, ở phiên chợ tết quê đó chính là tình người, là không khí ấm áp, thân tình của những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Đến chợ tết, mọi người được gặp lại những người thân, người quen mà cả tháng, có khi cả năm bận rộn với biết bao công việc bộn bề họ không có thời gian thăm hỏi nhau. Chợ quê vì thế mà ngoài ý nghĩa trao đổi, mua bán hàng hóa, còn là nơi để người ta thăm hỏi, kể chuyện vui buồn, đồng áng, làm ăn, trao đổi đời sống văn hóa tinh thần… trong cái không gian đậm đà bản sắc, mang nặng tình làng, nghĩa xóm.

Kinh tế đất nước đang trên đà đổi mới, diện mạo các phiên chợ quê đã phần nào thay đổi. Đây đó đã có những gian hàng được xây kiên cố bằng bê tông, cốt thép và bày bán đủ loại hàng hóa trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ở nhiều chợ quê, cho dù diện mạo đã đổi thay, quy mô to, đẹp, đàng hoàng hơn, mọi thứ khấm khá hơn song vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa, hồn cốt của Chợ Quê.

Khánh Ly

(Tam Hồng, Yên Lạc)